Nội dung:
Hội viên phụ nữ tự tin khởi nghiệp
Thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 theo Quyết định 939/QĐ-TTg ngày 30-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) TP Cần Thơ đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ chị em hội viên phát triển nghề, khởi sự kinh doanh. Trong đó, từ đầu năm 2019 đến nay, lần lượt 9 quận, huyện tổ chức hội thảo “Nâng cao hiểu biết về việc làm và khởi nghiệp”, thu hút đông đảo chị em hội viên tham gia. Những chia sẻ trong hội thảo đã góp phần “gỡ khó”, giúp hội viên thêm tự tin khi tham gia khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.
Tham gia hội thảo “Nâng cao hiểu biết về việc làm và khởi nghiệp”, chị em hội viên được cung cấp thêm các thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến phát triển nghề, khởi nghiệp. Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố thông tin về các dịch vụ hỗ trợ đào tạo nghề, tìm việc, xuất khẩu lao động, du học,… Đặc biệt, hội thảo còn có sự chia sẻ từ những “người thật, việc thật” về khó khăn, những hỗ trợ từ các ban, ngành, đoàn thể và bí quyết thành công trong quá trình khởi nghiệp, nhận được quan tâm của nhiều hội viên.
Bà Tạ Thị Thu, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Vũ Phúc, nổi tiếng trong lĩnh vực làm bánh, dạy nghề và cung cấp nguyên phụ liệu ngành bánh tại TP Cần Thơ đã có 27 năm khởi nghiệp. Đến nay, công ty đang tạo việc làm cho 150 lao động ở các khâu làm bánh, đón tiếp, phục vụ khách hàng và các cơ sở sản xuất nguyên, phụ liệu vệ tinh. Bà Tạ Thị Thu chia sẻ: “Có thể nói, để khởi nghiệp thành công, người khởi nghiệp không thể thiếu những đức tính: cần cù, ham học hỏi và liều lĩnh. Nhưng trước khi khởi sự kinh doanh, chị em phải xác định được mục tiêu và mong muốn của bản thân, từ đó, vạch ra kế hoạch rõ ràng, biến ý tưởng có tính khả thi thành hiện thực. Không chỉ vậy, người khởi nghiệp còn phải dự trù “kịch bản” mà kết quả không thành công như mong muốn, để lường trước những khó khăn có thể gặp phải, từng bước tìm cách khắc phục”. Chị Nguyễn Hoài Thương, ở phường An Thới, quận Bình Thủy cũng trải qua hơn 20 năm gầy dựng và phát triển nghề thuộc lĩnh vực làm đẹp. Khởi điểm của chị chỉ có niềm đam mê và quyết tâm đeo đuổi nghề. Từ chỗ học nghề, làm nghề, sau đó được hội, đoàn thể địa phương hỗ trợ vốn vay phát triển cửa tiệm, dần dà, học viên đến học nghề ngày càng đông rồi phát triển thành Công ty TNHH Một thành viên Dạy nghề Hoài Thương như hôm nay. Hàng trăm lao động đã được công ty đào tạo và kết nối, giới thiệu việc làm các nghề: cắt, uốn tóc, làm móng, trang điểm. Chị Hoài Thương cho rằng, yếu tố yêu nghề, hết mình với nghề, vốn liếng và sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông, mạng xã hội hiện nay đều có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến hành trình và kết quả khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.
Từ những chia sẻ thực tế của các đại biểu, nhiều hội viên thẳng thắn đặt câu hỏi về những khó khăn gặp phải. Trong đó, có khó khăn về đầu ra cho sản phẩm khởi nghiệp; đăng ký thương hiệu; nhu cầu việc làm dành cho phụ nữ; nơi tư vấn học ngoại ngữ xuất khẩu lao động; việc tiếp cận vốn vay; hiệu quả của các loại hình nghề gia công, tạo việc làm tại chỗ cho hội viên;… Trước băn khoăn của hội viên phụ nữ huyện Thới Lai về việc tìm kiếm nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp, bà Chiêm Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố cam kết, những ý tưởng khởi nghiệp tính khả thi cao, chắc chắn sẽ được các cấp Hội LHPN tích cực hỗ trợ thực hiện. Về vốn vay, hiện tại Hội LHPN phối hợp triển khai nhiều nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Đông Á, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế,… Thực tế, tổng nguồn vốn huy động từ các nguồn hỗ trợ chị em hội viên làm kinh tế ở huyện Thới Lai hiện đạt trên 174 tỉ đồng; vốn từ nguồn vận động tiền gửi tiết kiệm tại các tổ Hội trên 10 tỉ đồng. Huyện đã thành lập được 11 mô hình phát triển kinh tế, 5 tổ liên kết sản xuất kinh doanh, giúp hàng trăm hộ hội viên có việc làm, nâng cao thu nhập. Bà Tạ Thị Thu khuyến khích hội viên phụ nữ khởi nghiệp gia nhập các Câu lạc bộ khởi nghiệp, Câu lạc bộ nữ doanh nhân... để có cơ hội tiếp xúc và nhận được chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tế để khởi nghiệp thuận lợi hơn.
Bên cạnh các vấn đề đặt ra, hội viên ở quận Bình Thủy còn đề xuất ý tưởng Hội LHPN thành phố cần có cửa hàng hỗ trợ trưng bày, giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp của hội viên. Qua đó, hội viên sẽ có thêm kênh quảng bá, tiếp cận khách hàng uy tín và hiệu quả hơn. Bà Diệp Thị Thu Hồng, Chủ tịch Hội LHPN TP Cần Thơ hứa sẽ nghiên cứu, đề xuất ý kiến này để được cấp trên xem xét, hỗ trợ. Phát biểu tại hội thảo “Nâng cao hiểu biết về việc làm và khởi nghiệp” do Hội LHPN quận Bình Thủy tổ chức, bà Hồng cho biết thêm: “Những hội viên gặp khó khăn về đăng ký thương hiệu hoặc về vốn phát triển việc kinh doanh, có thể gặp cán bộ Hội LHPN các cấp để được tư vấn, hỗ trợ. Thời gian qua, đã có rất nhiều mô hình khởi nghiệp được xây dựng thành công. Trong đó, nhiều mô hình phát triển ngày càng lớn mạnh, mang lại hiệu quả tạo việc làm và thu nhập cao cho hội viên phụ nữ. Điển hình như Hợp tác xã chanh không hạt ở xã Trường Long, huyện Phong Điền là 1 trong 5 Hợp tác xã do Hội LHPN thành lập đang hoạt động rất tốt. 20 thành viên Hợp tác xã thường xuyên cung cấp chanh không hạt cho một nhà máy của Hà Lan (tại quận Cái Răng). Riêng ở Bình Thủy cũng có nhiều mô hình hiệu quả, như: Phụ nữ làm khô cá lóc, Tổ hợp tác trồng màu, may công nghiệp,... Trong năm 2019, các cơ sở Hội ở quận Bình Thủy đã giúp 20 chị khởi nghiệp với số tiền trên 1 tỉ đồng vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội”.
Ngoài việc luôn chịu khó học hỏi những điều hay, làm đẹp, chăm sóc gia đình, thì lao động nâng cao thu nhập cũng là một trong những yếu tố giúp nâng cao vị trí, vai trò của các chị em phụ nữ. Vì thế, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh ngày càng được nhiều chị em quan tâm. Với những hoạt động hỗ trợ thiết thực tổ chức Hội LHPN, mong rằng, thời gian tới sẽ có thêm nhiều mô hình khởi sự kinh doanh hoạt động hiệu quả, các ý tưởng khởi nghiệp triển khai thành công với những sản phẩm mới, chất lượng của hội viên phụ nữ được ra mắt.
Bài, ảnh: MỸ TÚ
Comments